MENU

Can thiệp thành công ca vỡ eo động mạch chủ

Đây là bệnh nhân vỡ eo ĐMC đầu tiên ở Việt Nam và là ca cấp cứu vỡ ĐMC ngực thứ hai may mắn được các bác sĩ BV Việt Đức cứu sống bằng phương pháp can thiệp tim mạch – đặt Stent Graft.

Đây là bệnh nhân vỡ eo ĐMC đầu tiên ở Việt Nam và là ca cấp cứu vỡ ĐMC ngực thứ hai may mắn được các bác sĩ BV Việt Đức cứu sống bằng phương pháp can thiệp tim mạch – đặt Stent Graft.

Bệnh nhân (BN) Ngô Thành D., 19 tuổi (Mê Linh, Hà Nội) sau khi được cứu sống đã không còn nhớ tai nạn xảy đến với mình. Tỉnh táo, nói chuyện được sau can thiệp đặt Stent Graft một ngày nhưng còn rất mệt, D. chỉ nhớ mình đi xe máy và bị một xe máy khác đâm vào. D. được đưa đến BV Việt Đức lúc 22h đêm 2/9 trong tình trạng lơ mơ, mạch 110 lần/phút, huyết áp tối đa ở tay phải 160mmHg. Kết quả xét nghiệm và hình ảnh chụp CT scanner cho thấy BN vỡ eo ĐMC gây tụ máu lớn ở trung thất và màng ngoài tim kèm chấn thương sọ não (giập não).

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và Lồng ngực BV Việt Đức cho biết: Vỡ ĐMC do chấn thương là bệnh lý rất hiếm gặp. Vỡ eo ĐMC cũng như vậy. Eo ĐMC là đoạn giao nhau giữa quai ĐMC và ĐMC ngực. Một trung tâm ngoại khoa lớn như BV Việt Đức vài năm mới gặp 1 ca bởi đây là một chấn thương quá nặng. Đa phần BN bị vỡ đôi eo (vỡ tối cấp tính), gây chảy máu dữ dội vào khoang màng phổi và tử vong ngay không kịp đến BV, chẩn đoán được qua mổ tử thi. Một số trường hợp chỉ bị chấn thương – đụng giập vùng eo ĐMC, nên sau tai nạn BN thấy bình thường, một thời gian sau (thường vài tuần đến vài tháng, có khi hàng năm sau) vùng bị chấn thương sẽ giãn to ra tạo khối phồng hoặc giả phồng ĐMC (vỡ mạn tính). Đa số BN được mổ cứu sống ở tình huống này.

Trước đây, BV Việt Đức cũng đã điều trị thành công một số trường hợp chấn thương vùng eo ĐMC dạng vỡ mạn tính. Tuy nhiên, còn một tình huống tối cấp cứu gặp trong thực tế – có thể cứu sống BN nếu mổ hay can thiệp kịp thời, đó là eo ĐMC bị vỡ thực sự, tuy nhiên diện vỡ không quá rộng, nên thời gian đầu máu chảy ra ngoài được các tổ chức xung quanh chặn lại tạm thời, tạo một khối máu tụ rất lớn quanh ĐMC, sau vài giờ hoặc vài ngày, khối máu tụ này sẽ vỡ ra gây mất máu cấp dẫn đến tử vong, hầu như không thể phẫu thuật kịp được. Do chẩn đoán thể này rất khó, đòi hỏi tính chuyên khoa cao, nên cho đến nay vẫn rất hiếm gặp và hầu hết đều tử vong do điều trị không kịp thời. Trường hợp bệnh nhân D. là ở tình huống này.

Các bác sĩ đứng trước những lựa chọn: phẫu thuật cứu sống BN, can thiệp hoặc kết hợp cả phẫu thuật và can thiệp (Hybrid). Trước đây chỉ có giải pháp là phẫu thuật cứu sống người bệnh. Nhưng việc phẫu thuật vô cùng khó khăn, khả năng sống được vô cùng nhỏ vì eo ĐMC là vùng rất khó tiếp cận để xử lý các thương tổn. Hơn nữa, làm trong điều kiện cấp cứu chảy máu dữ dội; nếu kẹp được mạch để xử lý thương tổn thì cũng gây tổn thương não và các tạng khác trong cơ thể.

Do đó, nhiều khi BN tử vong không phải do chỗ vỡ mà do suy các chức năng khác (não, tạng, ruột…) do thiếu máu trong khi phẫu thuật. Biện pháp can thiệp bằng dụng cụ, tuy không thay thế được hoàn toàn phẫu thuật kinh điển, nhưng là một giải pháp tốt để cứu BN vì hạn chế được nguy cơ rủi ro, do thủ thuật đơn giản hơn nhiều, người bệnh hầu như không bị mất máu trong quá trình can thiệp, không gây biến chứng các cơ quan (nhất là bệnh nhân D. đang trong tình trạng bị giập não), kiểm tra được tình trạng bệnh nhân ngay sau khi can thiệp, không sẹo, không có đường mổ, hậu phẫu nhẹ nhàng. Các bác sĩ đã quyết định chọn phương án can thiệp đặt Stent Graft để có lợi nhất cho BN. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước cũng chuẩn bị sẵn kíp phẫu thuật phòng trường hợp nếu phải bịt một số nhánh bên lớn của ĐMC – trong đó có động mạch nuôi não, thì sẽ mổ nối các mạch máu nuôi não đi theo con đường khác (phương án Hybrid). Rất may là bệnh nhân D. đã chỉ cần can thiệp đơn thuần.

Ca can thiệp diễn ra trong vòng 30 phút do PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước làm trưởng kíp. BN đã được rút máy thở ngay sau đó, tỉnh táo, tiếp xúc được và tiếp tục được kiểm tra, theo dõi các vết thương ở não và vùng bụng kín.